Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long

Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày đăng: 27/05/2024 03:28 PM

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các cánh đồng liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng được mở rộng.

Thu hoạch lúa hè thu ở Đồng Tháp

Sau đợt hạn hán và xâm nhập mặn, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm vụ Hè Thu - vụ lúa quan trọng thứ hai trong năm. Một số địa phương đã sớm xuống giống và hiện đang thu hoạch. Nhờ tuân thủ quy trình canh tác, năng suất vụ này khả quan dù trải qua 3 tháng không mưa.

Những ngày qua, thời tiết giao mùa, bà con tranh thủ thu hoạch lúc trời nắng. Ai nấy đều phấn khởi vì năng suất cao hơn vụ trước. Bà Lê Thị Mộng Thúy ở xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: "Vụ trước suốt 77 bao, vụ này 100 bao, được 5,9 tấn, bán lúa 8.500 đồng/kg, trừ chi phí tôi lời trên 40 triệu".

Bà Trần Thị Thu Thủy ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, cũng cho biết: "Ba tháng nắng nhưng khi cắt lúa trúng mùa. Hôm nay ai cũng trúng, nắng ai cũng buồn, nhưng lúa trúng ai cũng mừng".

Vụ Hè Thu 2024, Đồng Tháp xuống giống hơn 170.000 ha, các địa phương xuống giống sớm đã thu hoạch hơn 20.300 ha, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Bà Nguyễn Thị Bảy ở xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: "Không có mưa, người ta bơm nước, lúa vẫn tốt. Giá lúa hơn 8.000 đồng/kg giúp dân cũng đỡ".

Các giải pháp kỹ thuật và công tác thủy lợi nội đồng đã giúp vụ mùa đạt năng suất và lợi nhuận cao.

Liên kết nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu

Năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các cánh đồng liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap ngày càng được mở rộng. Dù bao tiêu theo giá thị trường hay thỏa thuận ký kết, mô hình này vẫn hiệu quả.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: "Gạo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới vào Châu Âu được. Mỹ cũng vậy, nếu có chất cấm là bị loại ngay".

Ông Huỳnh Văn Hòa, Công ty TNHH Chế biến lương thực Hồng Phát, chia sẻ: "Khi liên kết, doanh nghiệp nhắc nhở nông dân canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng gạo".

Nông nghiệp sạch, an toàn là hướng phát triển bền vững. Cần Thơ với khoảng 70.000 ha lúa vụ Hè Thu năm nay, hầu như chất lượng đều ổn định. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, nhận định: "Chúng tôi tập trung các giống chất lượng cao như OM 5451, áp dụng giải pháp canh tác an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng lúa".

Vụ mùa của nông dân Đồng Tháp đạt được năng suất và lợi nhuận cao

Vụ mùa của nông dân Đồng Tháp đạt được năng suất và lợi nhuận cao

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận xét: "Sản xuất lúa gạo không chỉ dừng ở thu mua mà bao gồm từ giống, cày xới, bơm nước, sản xuất theo quy trình, thu hoạch, sấy,… tạo nên thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Đây là một chuỗi ngành phải dựa trên nền tảng liên kết".

Đồng bằng sông Cửu Long thí điểm Đề án 1 triệu ha tại TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Mục tiêu là chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa của vùng, cung cấp thêm nguồn lúa chất lượng, đảm bảo lượng gạo chất lượng cao cho xuất khẩu xanh, phát thải thấp.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo cao cấp

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo sang Âu Mỹ tăng đột biến trong những tháng đầu năm nay với hơn 181.000 tấn, trị giá gần 136 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Mặc dù Âu Mỹ không phải là thị trường trọng điểm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử, tận dụng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP. Việt Nam hướng tới trở thành nhà cung cấp gạo cao cấp, tập trung xuất khẩu các loại gạo thơm, giá trị cao sang Âu Mỹ. Đồng thời, phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa… để tăng hiệu quả kinh tế.

Theo VTV.vn

Zalo
Hotline